Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0, việc xây dựng bản sắc trong thiết kế nhận diện thương hiệu các làng nghề truyền thống ở Hà Nội mang lại nhiều lợi ích quan trọng mang đến nhiều triển vọng cho việc phát triển đời sống văn hoá, kinh tế cho cả người dân làng nghề lẫn người tiêu dùng. Bài báo giới thiệu thực trạng và triển vọng phát triển của việc xây dựng bản sắc trong thiết kế nhận diện thương hiệu các làng nghề truyền thống ở Hà Nội trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0 nhằm góp phần thay đổi cách nhìn nhận và tạo động lực thay đổi, hội nhập trên thị trường rộng lớn hơn
Theo Cổng thông tin điện tử của Chính phủ về Chuyên mục “Thời sự” ngày 23/07/2022, số liệu điều tra năm 2022, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề (số làng nghề được công nhận là 292 làng nghề); có 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc, gồm: Sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan… Tại các làng nghề hiện có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 Công ty TNHH, 1.466 doanh nhân, 164 hợp tác xã, có trên 175.000 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút trên 739.000 người lao động. [1]
Các làng nghề truyền thống ở Hà Nội đóng góp quan trọng vào di sản văn hóa của địa phương. Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề này đã thành công mang nhiều giá trị văn hóa và kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát; các làng nghề hiện nay vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ đặc biệt chưa chú trọng đến việc xây dựng và phát triển bản sắc thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm.
- Bản sắc thương hiệu làng nghề:
Bản sắc thương hiệu của làng nghề là tập hợp các yếu tố đặc trưng và độc đáo của một thương hiệu, định hình và phản ánh giá trị, tư duy, văn hóa và cách tiếp cận của thương hiệu thể hiện những điểm mạnh và khác biệt của thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh, tạo nên sự nhận diện và ấn tượng đặc biệt trong tâm trí khách hàng.
Việc xây dựng bản sắc trong thiết kế nhận diện thương hiệu giúp tôn vinh và bảo tồn các giá trị truyền thống, giữ gìn những kỹ thuật và bí quyết sản xuất truyền thống, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững cho các làng nghề.
Thiết kế nhận diện thương hiệu là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng giá trị thương hiệu cho các làng nghề truyền thống. Bằng cách tạo ra một hình ảnh đồng nhất và độc đáo, nhận diện thương hiệu giúp tăng tính nhận biết và giá trị của sản phẩm cho các làng nghề. Điều này có thể giúp thu hút khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy kinh doanh cho các doanh nghiệp và cá nhân trong làng nghề.
Các làng nghề truyền thống là một nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, thu hút nhiều du khách quốc tế và trong nước. Việc xây dựng bản sắc trong thiết kế nhận diện thương hiệu giúp tạo nên một hình ảnh độc đáo và gắn kết với văn hóa địa phương, từ đó tăng cường sức hấp dẫn và đưa đến sự phát triển của ngành du lịch. Điều này góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo ra việc làm và cải thiện đời sống cho cộng đồng.
Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội mới trong kết nối và tiếp cận thị trường kỹ thuật số. Bằng cách xây dựng bản sắc trong thiết kế nhận diện thương hiệu, các làng nghề truyền thống có thể tận dụng được tiềm năng của internet và các nền tảng trực tuyến để quảng bá và tiếp cận khách hàng rộng hơn. Điều này giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu và tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Đây là một cơ hội phát triển rất rõ ràng tuy nhiên các làng nghề còn nhiều bỡ ngỡ trong việc triển khải và xây dựng.
Tóm lại, xây dựng bản sắc trong thiết kế nhận diện thương hiệu các làng nghề truyền thống ở Hà Nội là cần thiết để bảo tồn di sản văn hóa, tạo giá trị thương hiệu, phát triển du lịch và kinh tế địa phương, cũng như kết nối với thị trường kỹ thuật số. Điều này đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của các làng nghề trong thời đại cách mạng 4.0.
2.Thực trạng:
Nhận diện thương hiệu đối với các làng nghề truyền thống tại Hà Nội hiện nay có nhiều vấn đề bất cập và chưa hiệu quả. Đặc biệt trong thời đại 4.0 nhiều hình thức quảng bá, nhận diện truyền thống đã không còn phát huy tác dụng. Nhiều làng nghề chưa nắm bắt được xu hướng và theo kịp tốc độ phát triển của thời đại. Theo ông Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, hiện thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề nhưng đã mai một 544 làng còn 806 làng đang hoạt động (số liệu điều tra 2020). [1]
Thiếu nhận diện thương hiệu đồng nhất: Các làng nghề truyền thống tại Hà Nội thường thiếu sự nhất quán trong thiết kế nhận diện thương hiệu. Điều này có thể do sự đa dạng và phong phú của các làng nghề, nhưng đồng thời cũng gây ra sự mơ hồ và khó nhận biết cho khách hàng. Thiếu sự nhất quán trong việc sử dụng logo, màu sắc, chữ viết và các yếu tố khác trong thiết kế làm giảm tính nhận diện và nhớ đến thương hiệu của các làng nghề này.
Ví dụ: Trong làng nghề chế tác gốm sứ Bát Tràng, không có sự nhất quán trong việc sử dụng logo và màu sắc đặc trưng cho các sản phẩm. Một số người thợ có logo riêng, trong khi những người khác không có. Điều này gây khó khăn cho khách hàng trong việc nhận diện và liên kết sản phẩm với thương hiệu Bát Tràng.
Thiếu sự hiện đại hóa và sáng tạo: Một số làng nghề truyền thống chưa thể nắm bắt và áp dụng các xu hướng thiết kế hiện đại và sáng tạo. Thiếu sự cập nhật với các xu hướng thiết kế mới nhất trong thời đại công nghệ 4.0 khiến cho những thiết kế của các làng nghề truyền thống trở nên lạc hậu và khó cạnh tranh. Sự thiếu sáng tạo và sự đột phá trong việc thiết kế cũng khiến cho các làng nghề này khó có thể tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ và thu hút khách hàng hiện đại.
Thiếu khả năng tiếp cận thị trường và quảng bá: Các làng nghề truyền thống tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc tiếp cận và quảng bá thương hiệu của mình như thiếu kênh thông tin và công cụ tiếp cận thị trường hiệu quả, dẫn đến việc khó tiếp cận được đối tượng khách hàng rộng hơn. Việc thiếu kỹ năng quảng cáo, marketing và việc sử dụng công nghệ thông tin cũng khiến cho việc quảng bá thương hiệu trở nên hạn chế và không hiệu quả.
Ví dụ: Làng nghề làm nón Làng Chuông, Phương Trung, Thanh Oai vẫn dừng lại ở mô hình truyền thống, chưa tận dụng được tiềm năng của công nghệ và xu hướng thiết kế hiện đại. Sự thiếu sáng tạo trong việc kết hợp chất liệu truyền thống với các yếu tố thiết kế đương đại hạn chế khả năng tiếp cận với thị trường trẻ và khách hàng quốc tế.
Thiếu ý thức về giá trị của thiết kế nhận diện thương hiệu: Một số làng nghề truyền thống chưa thực sự hiểu rõ về tầm quan trọng của thiết kế nhận diện thương hiệu. Đối với họ, việc tập trung vào sản phẩm và chất lượng thủ công là quan trọng hơn việc xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ và độc đáo. Thiếu ý thức về giá trị của thiết kế nhận diện thương hiệu khiến cho các làng nghề truyền thống không thể khai thác toàn bộ tiềm năng và giá trị của thương hiệu của mình.
Ví dụ: Trong làng nghề làm hàng da truyền thống ở Phú Yên,các thợ da tập trung chủ yếu vào việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nhưng ít quan tâm đến hình thức và xu hướng thời trang của sản phẩm. Nhận diện thương hiệu như logo, bao bì, nhãn mác lại càng ít được chú ý, do đó dù sản phẩm có chất lượng tốt, kỹ thuật gia công cao nhưng thương hiệu vẫn mờ nhạt, không ghi dấu được nhiều trong tâm trí khách hàng.
Tóm lại, mặc dù các làng nghề truyền thống tại Hà Nội có những giá trị và đặc điểm độc đáo, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập và chưa hiệu quả trong thiết kế nhận diện thương hiệu. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này sẽ sẽ giúp các làng nghề truyền thống tăng cường sự nhận diện, cạnh tranh và quảng bá thương hiệu của mình trong thời đại công nghệ 4.0.
Để cải thiện thực trạng này, các làng nghề truyền thống tại Hà Nội có thể tìm hiểu và áp dụng các phương pháp thiết kế nhận diện thương hiệu hiện đại, cải thiện kỹ năng tiếp cận thị trường và quảng bá, và tăng cường ý thức về giá trị của thiết kế nhận diện thương hiệu. Việc này sẽ giúp các làng nghề truyền thống tại Hà Nội nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút khách hàng và tạo dựng một bản sắc riêng trong thời đại công nghệ 4.0.
- Triển vọng xây dựng bản sắc nhận diện thương hiệu các làng nghề truyền thống bằng các hình thức truyền thống và hiện đại:
Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0, có nhiều triển vọng trong việc xây dựng bản sắc thiết kế nhận diện thương hiệu cho các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Việc áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật rất đa dạng, tuy nhiên còn phụ thuộc vào đặc trưng của sản phẩm, làng nghề truyền thống mà có thể lựa chọn các phương pháp khác nhau, ở các mức độ khác nhau. Một vài phương pháp ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến tại các làng nghề truyền thống dưới đây có thể đưa ra những giải pháp đáng chú ý trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học 4.0 cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới:
Tận dụng internet và công nghệ thực tế ảo:
Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội để các làng nghề truyền thống áp dụng công nghệ số vào việc xây dựng và quản lý thương hiệu. Các công nghệ như trang web, ứng dụng di động, mạng xã hội và thương mại điện tử có thể giúp các làng nghề truyền thống tiếp cận đến một lượng khách hàng rộng hơn, tăng cường quảng bá và tạo dựng bản sắc thương hiệu trực tuyến từ đó tạo giá trị gia tăng từ di sản và cho di sản. Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản đã không dừng lại ở việc đơn giản là đưa dữ liệu lên internet mà còn liên tục thử nghiệm các công nghệ mới.
Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR) (VR là sử dụng công nghệ 3D scanning tái hiện không gian một cách chân thực, sống động dựa trên các dữ liệu đã được số hóa. Với sự trợ giúp của kính đeo VR, tai nghe, người xem ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet đều có thể ngắm nhìn, khám phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các cảnh quan. Đặc biệt, không chỉ hiển thị đơn thuần dưới dạng hình ảnh 3D, một số hệ thống VR còn có thể mô phỏng âm thanh, thậm chí cả mùi khá chân thực.
Doanh thu của ngành này trên thị trường toàn cầu dự kiến đạt 48,5 tỷ USD vào năm 2025 [2]
Công nghệ này giúp việc giới thiệu văn hoá các sản phẩm làng nghề đến được với mọi người một cách chân thực, tỉ mỉ và kĩ lưỡng gần như trải nghiệm thật cho dù ở bất cứ nơi đâu.
Công nghệ thực tế ảo và trực tuyến đã mở ra cánh cửa cho trải nghiệm người dùng tương tác mới. Thiết kế nhận diện thương hiệu các làng nghề có thể sử dụng các công nghệ này để tạo ra những trải nghiệm tương tác độc đáo và gây ấn tượng mạnh cho khách hàng. Ví dụ, sử dụng thực tế ảo để cho phép khách hàng trải nghiệm trực quan sản phẩm hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cá nhân hóa thứ mà lâu nay các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Chính công nghệ trải nghiệm ảo nhưng ngày càng thật này, sẽ giúp bản sắc nhận diện thương hiệu có thể đến gần hơn với mọi người.
Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại:
Các làng nghề truyền thống có giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt. Trong bối cảnh công nghệ 4.0, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong thiết kế nhận diện thương hiệu có thể tạo ra sự hài hòa độc đáo. Sự kết hợp này không chỉ giữ được bản sắc truyền thống mà còn mang lại tính sáng tạo và sự thu hút đối với khách hàng hiện đại.
Một số mẫu mã sản phẩm vẫn được thiết kế tạo mẫu theo các phương pháp thủ công truyền thống sau đó sử dụng kỹ thuật mô phỏng 3D để thiết kế và tạo mẫu sản phẩm giúp tăng tính chính xác và tối ưu hóa quy trình sản xuất đồng thời giúp cho sản phẩm có được cái nhìn toàn diện ngay cả trước khi được sản xuất. Nghiên cứu về việc sử dụng công nghệ quét 3D, in 3D và tái tạo số để tạo ra các bản sao chính xác của các sản phẩm truyền thống. Điều này giúp bảo tồn và phục hồi các sản phẩm quý giá mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bản gốc, đồng thời tạo ra cơ hội nhân bản và sáng tạo ra nhiều mẫu mã phù hợp với nhu cầu thời đại một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Công nghệ máy móc tự động: Sử dụng các hệ thống tự động, robot và máy móc thông minh để thay thế công việc thủ công, giảm sự phụ thuộc vào lao động và tăng năng suất sản xuất. máy móc công nghệ cao chắc chắn sẽ là tương lai của các hoạt động trong sản xuất sản phẩm làng nghề. Ví dụ, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể giúp trong việc phân tích dữ liệu, xác định các mô hình kỹ thuật, nhận dạng sản phẩm và tạo ra các gợi ý thiết kế. Trên thực tế, các công đoạn sản xuất vốn sử dụng lao động tay chân trước đây như khoan, bào, cưa, đục ở làng nghề chế biến gỗ, xay nghiền bột ở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, kéo bễ quạt lò ở các làng nghề cơ kim khí, nghiền trộn đất ở làng nghề gốm Bát Tràng hay việc bảo quản nguyên liệu, sáng tạo mẫu mang tính thủ công như mây tre đan, gốm sứ… nay đã thay thế bằng máy móc cơ khí, năng suất lao động được nâng cao. Mặc dù máy móc ở làng nghề đa phần vẫn còn thô sơ, chủ yếu là tự chế hoặp nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng. Tuy nhiên bước đầu có thể thấy những ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện sức lao động cũng như tăng cường khả năng sáng tạo. Bản sắc nhận diện thương hiệu làng nghề cũng vì thế mà được củng cố do mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú nhưng vẫn chịu sự sáng tạo cao của nghệ nhân.
Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo:
Công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo có ảnh hưởng lớn đến nhận diện thương hiệu. Đặc biệt với nhận diện thương hiệu các làng nghề lâu nay thường bị coi nhẹ hơn so với các sản phẩm đặc trưng của làng nghề dẫn đến việc người tiêu dùng có thể yêu thích sản phẩm nhưng không có ấn tượng với thương hiệu cũng như khó có thể giới thiệu đến cộng đồng xung quanh mình. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra các biểu tượng và hình ảnh độc đáo dựa trên phân tích dữ liệu và xu hướng thị trường. Nhờ đó có thể gợi ý các yếu tố mẫu mã, hình ảnh phù hợp với xu hướng, với thời đại đặc biệt là sự chú ý của thị trường. Tự động hóa cũng có thể giúp tăng tốc quy trình thiết kế và tối ưu hóa công việc của các nhà thiết kế. Tự động hoá và trí tuệ nhân tạo được coi là một phương pháp kết hợp hiệu quả giữa tay nghề của nghệ nhân làng nghề với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng cường sáng tạo, giảm bớt sức lao động và đa dạng hoá loại hình.
Tương tác con người và máy móc:
Công nghệ 4.0 tạo ra khả năng tương tác người-máy ngày càng tốt. Thương hiệu làng nghề cũng có thể tận dụng các giao diện người-máy như trò chuyện trực tuyến hoặc chatbot để cung cấp thông tin và hỗ trợ khách hàng. Điều này giúp tạo ra một trải nghiệm tiện ích và tương tác cho khách hàng, đồng thời nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá thương hiệu. Bằng hình thức này, nghệ nhân có thể cập nhật kho dữ liệu kiến thức về sản phẩm làng nghề để có thể củng cố, duy trì kiến thức truyền đạt cho thế hệ sau, đồng thời có thể giải đáp các thắc mắc, ghi nhận nguyện vọng, nhu cầu và mong muốn của khách hàng để có những giải pháp đáp ứng mà không tốn nhiều nhân lực cũng như các chi phí khảo sát tốn kém.
Bên cạnh đó, các làng nghề vẫn cần tập trung khai thác bản sắc thương hiệu của mình với nhiều các hoạt động truyền thống cũng như hiện đại nhằm lan toả nhận diện thương hiệu cũng như mở ra những cơ hội hợp tác rộng lớn hơn thông qua một số hình thức sau:
Tạo dựng câu chuyện và giá trị:
Thương hiệu làng nghề đa phần thường được gắn liền với một hay nhiều câu chuyện liên quan đến nghệ nhân, đến sản phẩm và mang nhiều giá trị ý nghĩa. Tuy nhiên câu chuyện ấy đa phần chưa được lưu truyền một cách rộng rãi và bền vững. Nhiều làng nghề bị thất truyền có nhiều nguyên nhân do việc những câu chuyện gắn liền với làng nghề, sản phẩm và nghệ nhân bị mai một. Do đó, nhận diện thương hiệu có thể xây dựng một câu chuyện hấp dẫn và phản ánh giá trị của các làng nghề truyền thống như một hình thức truyền thông hiện đại. Sự kể chuyện thông qua thiết kế sẽ giúp tạo dựng một liên kết cảm xúc và tạo niềm tin đối với khách hàng. Các làng nghề có thể nhấn mạnh về sự tận tụy, sự độc đáo của sản phẩm và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Nếu không có những hình thức bảo tồn và tôn vinh câu chuyện thương hiệu, trong bối cảnh phát triển nhanh rộng của công nghiệp hoá, hiện đại hoá toàn cầu, nhiều làng nghề vẫn còn phải xuất khẩu sản phẩm của mình dưới tên gọi khác, thương hiệu khác để có cơ hội ra thế giới. Trong khi đó, người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng sản phẩm làng nghề bản chất vì những sản phẩm đó mang câu chuyện, bản sắc văn hoá và mang đậm dấu ấn quê hương Việt Nam.
Nhận diện thương hiệu thông qua lễ hội, sự kiện và các sản phẩm du lịch:
Lễ hội và sự kiện ở làng nghề từ lâu đã trở thành nét văn hoá được đông đảo mọi người quan tâm. Trong xu thế hội nhập quốc tế, nét văn hoá này còn phù hợp với phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và là một trong những hình thức hiệu quả để quảng bá phát triển thương hiệu làng nghề đến với đông đảo khách tham quan du lịch. Làng nghề truyền thống là nơi hội tụ bản sắc, nét độc đáo riêng, không chỉ là giúp quảng bá sản phẩm địa phương mà thương hiệu của làng nghề cũng như các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm truyền thống làng nghề cũng theo đó mà phát triển.
Việt Nam được mệnh danh của đất nước của làng nghề, là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá, sản vật dân gian được bồi đắp qua thời gian lưu giữ những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Cho dù nhiều làng nghề, phố nghề đã bị mai mốt thất truyền nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều làng nghề giữ lửa truyền thống, mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế và bảo tồn văn hoá minh chứng cho sức sống mãnh liệt của tài hoa và trí tuệ của nghệ nhân. Trong xu thế hội nhập quốc tế, để bảo tồn và phát triển làng nghề điều cốt lõi là vẫn phải giữ được bản sắc, nét độc đáo riêng bản địa, con ngừoi của mỗi vùng miền địa phương. Thông qua các hình thức xây dựng nhận diện thương hiệu bền vững và phù hợp với thời đại, bản sắc và nét độc đáo riêng ấy sẽ có cơ hội đi xa hơn ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Khoa học công nghệ 4.0 đã thay đổi cách thiết kế nhận diện thương hiệu, marketing.. Nó mở ra cơ hội mới trong việc tận dụng các kênh giao tiếp, trải nghiệm tương tác, dữ liệu và công nghệ để tạo ra những thương hiệu đột phá và tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả. Các phương pháp truyền thống vẫn được giữ gìn khai thác nhưng làng nghề cũng cần học hỏi hỏi, đón nhận những luồng gió mới mà khoa học kỹ thuật cuả cuộc cách mạng 4.0 mang đến.Tuy nhiên, cũng cần đối mặt với thách thức của việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và đảm bảo sự nhất quán giữa các kênh và trải nghiệm người dùng.
- Kết luận:
Thương hiệu làng nghề truyền thống ở Việt Nam từ lâu đã trở thành niềm tự hào về các giá trị văn hoá của người dân cả nước. Không chỉ thế giá trị kinh tế của sản phẩm các làng nghề mang lại là những lợi ích không thể chối bỏ. Tuy nhiên, nếu vẫn xây dựng làng nghề hoàn toàn theo phương pháp truyền thống thì nhiều thương hiệu làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền. Để thương hiệu làng nghề được bảo tồn và phát triển các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các cơ sở làng nghề, thợ thủ công và đội ngũ thiết kế cần quan tâm đến việc xây dựng giá trị thương hiệu thông qua việc gìn giữ và phát triển bản sắc. Trong bối cảnh 4.0, xu hướng xây dựng bản sắc thương hiệu đã trở thành nhiệm vụ cần thiết song song với việc cập nhật và sử dụng các công nghệ mới, phù hợp để mở rộng sự nhận biết của thương hiệu ra thị trường rộng lớn và đa dạng hơn.
Tài liệu tham khảo
- Thanglong.chinhphu.vn
Không để các làng nghề truyền thống bị mai một (23/7/2022)
https://thanglong.chinhphu.vn/khong-de-cac-lang-nghe-truyen-thong-bi-mai-mot-103220723121742714.htm
- Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản (22/02/2022)
- Trần Quốc Vượng và Đỗ Thị Hảo (2000),
Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội, NXB Hà Nội
- Dương Bá Phượng (2001), Bảo tồn và phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa”, Nxb Khoa học xã hội.
- Mai Thế Hởn (2003) Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.
- Đinh Hạnh (2019)“Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long- Hà Nội”, Nxb Hà Nội
Ước gì có thêm nhiều hình mình họa ạ, bài viết hữu ích thầy ơi <3