Ứng Dụng Phật Giáo Vào Việc Dạy Ngoại Ngữ

Việc dạy ngoại ngữ không chỉ là quá trình truyền đạt kiến thức về ngôn từ, mà còn là sự truyền cảm hứng và tinh thần học tập cho sinh viên. Trên tinh thần đó, thật tình cờ khi thấy rằng các nguyên tắc và phương pháp của Phật giáo có thể mang lại những giá trị vô cùng quý báu, giúp việc học ngoại ngữ trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn. Bài viết này sẽ chia sẻ cách áp dụng ở mức cơ bản các triết lý và thực hành Phật giáo vào việc dạy ngoại ngữ.

Chánh Niệm Trong Học Tập

Chánh niệm, hay mindfulness, là một trong những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, chánh niệm được hiểu là “năng lượng của sự tập trung tâm ý (định lực), là khả năng có mặt một trăm phần trăm cho những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta”. Nếu có thể áp dụng chánh niệm vào việc dạy và học ngoại ngữ, sinh viên có thể tập trung hơn, giảm căng thẳng và tạo ra một môi trường học tập tích cực. Thông thường, mỗi sinh viên ở Đại Học Greenwich sẽ có 2 slots cho 1 ngày học tiếng Anh. Làm sao để biến ba giờ đó trở thành khoảng thời gian hạnh phúc của các sinh viên? Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy hạnh phúc trong lao động chỉ thực sự đạt được khi người ta tập trung hết sức cho nó và nhìn thấy sự thay đổi. Tuy nhiên, có vẻ như niềm hạnh phúc từ chánh niệm ấy dễ có khả năng bị mất đi từ những thiết bị nhỏ mà chúng ta đều sở hữu và dành nhiều thời gian hàng ngày – chiếc điện thoại thông minh, và tất nhiên sinh viên không phải là trường hợp ngoại lệ. Chiếc điện thoại bé nhỏ chứa những tin nhắn của bạn bè, người yêu, gia đình, chứa những trò chơi hấp dẫn, chứa những công việc còn đang dang dở… và cứ liên tục với những thông báo khác. Hãy thử cân nhắc về việc học một tiết học trong chánh niệm, thân và tâm đều tập trung vào các hoạt động trong lớp, không bị sao lãng bởi bất kỳ một thông báo nào trên điện thoại. Lúc này, vai trò thiết kế các hoạt động của giáo viên là rất lớn để giữ được sự tập trung, cuốn hút ấy trong 90 phút liên tục.

Lòng Bi Mẫn và Sự Đồng Cảm

Phật giáo nhấn mạnh lòng bi mẫn và sự đồng cảm, điều này có thể giúp tạo ra một môi trường học tập thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau. Bi mẫn, hạt giống của giác ngộ, xuất phát từ tình yêu thương vô điều kiện. Làm ở một môi trường mở như Đại học Greenwich, nơi mà sinh viên không có quá nhiều quy tắc phải tuân theo, được tự do thể hiện cái tôi cá nhân trong khi cái tôi đó lại được xuất phát từ văn hoá gia đình, môi trường giáo dục khác nhau, nên một giáo viên sẽ không tránh khỏi những cú sốc văn hoá, thậm chí là sự tổn thương nếu không có được lòng bi mẫn và sự đồng cảm tự trong tâm của mình. Yêu thương một cách vô điều kiện, lắng nghe, thấu hiểu, không phán xét để đưa ra những giải pháp tốt nhất và cùng đồng hành với sinh viên sẽ khiến cho giáo viên được hạnh phúc hàng ngày. Thật vậy, chỉ khi giáo viên hạnh phúc với từng tiết dạy của mình mới mang lại hạnh phúc và lợi ích cho sinh viên của họ.

 

Vô Ngã và Tính Tương Tác

Dẫu biết rằng thuyết vô ngã là một khái niệm mà chỉ những bậc giác ngộ mới có thể thực chứng được (không thể chỉ qua ý niệm hay tư duy suy luận thông thường), tuy nhiên về cơ bản, nguyên tắc vô ngã của Phật giáo nhấn mạnh rằng không có cái tôi riêng biệt và tất cả chúng ta đều liên kết với nhau. Trong việc học ngoại ngữ, sự tương tác và học hỏi từ nhau là vô cùng quan trọng. Giáo viên có thể khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động nhóm, nơi sinh viên phải hợp tác để hoàn thành một bài tập hoặc một dự án. Với cách này, sinh viên sẽ hiểu rằng thành công không phải của riêng từng cá nhân mà là của cả tập thể. Ngoài ra, các bài tập viết kịch bản, đóng kịch, nhập vai, nơi sinh viên phải đóng vai các nhân vật khác nhau để hiểu và cảm thông với quan điểm, hoàn cảnh của người khác cũng là một gợi ý giúp các bạn không chỉ cải thiện kỹ năng ngôn ngữ mà còn thực hành được tinh thần vô ngã, dần dần vượt qua các ràng buộc của bản ngã.

Thật vậy, việc áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào giảng dạy ngoại ngữ không chỉ giúp cải thiện hiệu quả học tập mà còn mang lại nhiều giá trị tinh thần cho cả giáo viên và sinh viên. Bằng cách thực hành chánh niệm, lòng bi mẫn, và thuyết vô ngã, giáo viên dạy ngoại ngữ có thể kiến tạo một môi trường học tập tích cực và ý nghĩa, nơi sinh viên không chỉ tiếp thu ngôn ngữ mà còn phát triển toàn diện về nhân cách và tâm hồn.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Đạt Lai Lạt Ma, & Hopkins, J. (Trans.). (2012, April 13). Năng lực của bi mẫn. Thư Viện Hoa Sen. https://thuvienhoasen.org/a15070/nang-luc-cua-bi-man.
  1. Giác Ngộ Online. (2023, February 10). Giáo lý vô ngã. Giác Ngộ Online. https://giacngo.vn/giao-ly-vo-nga-post71072.html.
  1. Làng Mai. (n.d.). Chánh niệm là nền tảng cho những hành động phản ánh quyền lực đích thực. Làng Mai. https://langmai.org/tang-kinh-cac/bai-viet/chanh-niem-la-nen-tang-cho-nhung-hanh-dong-phan-anh-quyen-luc-dich-thuc/.
Comments: 96

Để lại một bình luận