Top 10 xu hướng phát triển phần mềm năm 2024 (phần 2)

Phần 1 mời bạn đọc ở đây: https://csr.greenwich.edu.vn/top-10-xu-huong-phat-trien-phan-mem-nam-2024-phan-1/

6. Phát Triển Phần Mềm Bền Vững

Với anh em làm phần mềm, cái bền vững nhất chắc là … bug? Nói vậy chứ từ khoá sustainable (bền vững) hiện nay cũng đang rất được thế giới quan tâm, không chỉ trong ngành CNTT. Cuộc thi FE Hackathon 2024 năm nay chủ đề chính là Generative AI nhưng cũng là để áp dụng vào phát triển bền vững. Cùng với phát triển phần mềm bền vững là tính toán xanh (green computing) cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm khi mối lo về môi trường ngày càng tăng. Các nhà phát triển đang tập trung vào các giải pháp thân thiện với môi trường, thúc đẩy các thực hành lập trình tiết kiệm năng lượng. Điều này bao gồm việc phát triển mã nhằm giảm thiểu việc sử dụng máy chủ, thời gian tải và yêu cầu dữ liệu.

Các khía cạnh then chốt của phát triển phần mềm bền vững bao gồm:

  • Tối ưu hóa phần mềm: Tinh giản mã lệnh để giảm sử dụng năng lượng và cải thiện hiệu suất.
  • Triển khai: Sử dụng nguồn lực chỉ khi cần thiết, sử dụng dịch vụ đám mây để giảm lãng phí năng lượng.
  • Tích hợp: Giảm thiểu xử lý dữ liệu giữa các hệ thống để tránh sử dụng dữ liệu không cần thiết.
  • Dữ liệu lưu trữ: Hạn chế số lượng dữ liệu được lưu trữ và thời gian lưu trữ trong hệ thống.
  • Kích thước dữ liệu: Sử dụng phương tiện có kích thước nhỏ hơn khi có thể để giảm bớt nhu cầu lưu trữ và xử lý.
  • Tái cấu trúc: Cập nhật phần mềm thường xuyên để loại bỏ các tính năng lỗi thời hoặc không được sử dụng.
  • Tránh thành phần của bên thứ ba: Giảm phụ thuộc vào các thành phần lớn của bên ngoài mà tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn.
  • Kiến trúc phần mềm: Sử dụng các kiến trúc tăng cường hiệu quả và giảm sử dụng năng lượng.
  • Lựa chọn trung tâm dữ liệu: Chọn các dịch vụ lưu trữ cam kết với tính toán xanh.

Túm lại là từ nay thay vì khai báo int i cho vòng lặp for các bạn chuyển sang khai báo short i nhé! Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt như thế!

7. Xu hướng tính toán trong phát triển phần mềm

Ngày nay, việc phát triển phần mềm ngoài sử dụng các hạ tầng về dữ liệu thì cũng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ về tính toán. Từ đó ra đời các xu hướng về tính toán như: Tính toán không máy chủ, Điện toán biên và Tính toán lượng tử.

Tính toán không máy chủ, hay còn gọi là Function as a Service (FaaS), đang ngày càng trở nên phổ biến. Các dịch vụ như AWS Lambda, Azure Functions, và Google Cloud Functions cho phép các nhà phát triển xây dựng và vận hành ứng dụng mà không cần quản lý cơ sở hạ tầng về tính toán. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hiệu suất, đặc biệt phù hợp cho các ứng dụng có lưu lượng truy cập cao.

Điện toán biên (Edge computing) đặt xử lý dữ liệu gần nguồn dữ liệu nhất có thể, giảm độ trễ và cải thiện khả năng xử lý dữ liệu thời gian thực. Công nghệ này đặc biệt quan trọng đối với các ứng dụng cần phân tích dữ liệu ngay lập tức, như xe tự lái và công nghệ thành phố thông minh, cũng như trong y tế và quản lý năng lượng thông minh.

Máy tính lượng tử sử dụng các nguyên lý của cơ học lượng tử để xử lý dữ liệu với tốc độ không thể đạt được bằng máy tính cổ điển. Công nghệ này hiện đang được IBM, Microsoft, Google, D-Wave, và Amazon phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng giải quyết các bài toán phức tạp trong lĩnh vực mật mã hóa, tối ưu hóa, và mô phỏng phân tử. Có lẽ là trong năm 2024, tính toán lượng tử chưa thể phổ biến và dễ dàng truy cập cho mọi nhà phát triển nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua xu thế này phải không?

8. Lập trình không mã lệnh

Nền tảng low-code và no-code đang thay đổi cách thức phát triển phần mềm, làm cho việc tạo ứng dụng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Những công cụ này cho phép người dùng không chuyên và nhà phát triển có thể nhanh chóng tạo ra các ứng dụng mà không cần phải viết nhiều mã hoặc không cần viết mã.

Các nền tảng như Microsoft Power Apps và Bubble là ví dụ điển hình, chúng cho phép người dùng tạo ứng dụng kinh doanh mà không cần kiến thức lập trình sâu. Tuy nhiên, mặc dù nền tảng low-code và no-code giúp tiết kiệm thời gian và chi phí phát triển, chúng không thể thay thế hoàn toàn cho các giải pháp phát triển tùy chỉnh cho các nhu cầu phức tạp.

Công nghệ này đã trở nên phổ biến và là một xu hướng quan trọng trong ngành công nghệ thông tin, giúp tăng tốc độ đổi mới và phát triển sản phẩm. Low-code và no-code đang mở rộng cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào việc phát triển phần mềm, đem lại sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh với thị trường.

Với sự góp mặt của Trí tuệ nhân tạo tạo sinh, thì việc những hệ thống AI cho phép nhận yêu cầu từ khách hàng, tự phân tích rồi viết mã lệnh, kiểm thử theo đúng chu trình phát triển phần mềm đang ngày càng khả thi. Tương lai lập trình viên rồi sẽ đi về đâu?

9. Progressive Web Applications – web app nhưng mà cho … mobile!

Đứng thứ 9 trong danh sách này là một xu hướng công nghệ đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn do khả năng tải nhanh và tiêu thụ ít tài nguyên hơn so với các ứng dụng gốc (native app) cho phần mềm trên các thiết bị di động. Điểm đặc biệt của PWAs so với ứng dụng web thông thường là có thể hoạt động ngoại tuyến và tự động cập nhật mỗi khi người dùng truy cập trực tuyến trở lại.

Từ góc độ phát triển, PWAs là một giải pháp hiệu quả về chi phí và thời gian, giúp giảm bớt sự cần thiết phải phát triển nhiều phiên bản ứng dụng cho các thiết bị khác nhau. Điều này dẫn đến việc tiết kiệm chi phí đáng kể, giảm đến 3-4 lần so với phát triển ứng dụng gốc. Các công ty lớn như Forbes, Starbucks, và Pinterest đã áp dụng công nghệ này để cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng cường hiệu quả kinh doanh.

PWAs cũng nổi bật với khả năng độc lập nền tảng, cho phép các nhà phát triển tạo ra một ứng dụng duy nhất phù hợp với mọi thiết bị từ di động đến máy tính để bàn, từ đó mang lại trải nghiệm người dùng nhất quán và giảm thiểu chi phí bảo trì.

10. Cross platform application

Vâng, cuối cùng trong danh sách là xu hướng phát triển đa nền tảng (cross platform) cho các ứng dụng di động. Kể từ khi hệ điều hành Android và iOS độc chiếm thị trường thiết bị di động, các nhà phát triển chỉ còn phải lựa chọn giữa việc tạo hai ứng dụng gốc cho Android và iOS hoặc một ứng dụng nhưng chạy được trên cả hai hệ điều hành. Trong khi ứng dụng gốc thường có hiệu suất cao hơn và được ưa chuộng hơn, sự phát triển của công cụ đa nền tảng đã cho phép phân phối các giải pháp đa nền tảng thân thiện với người dùng, đồng thời cắt giảm chi phí phát triển do không phải làm ra nhiều phiên bản khác nhau của cùng một phần mềm. Lưu ý rằng, ứng dụng đa nền tảng và PWA là 2 xu hướng khác nhau, một vẫn là ứng dụng mobile còn một là ứng dụng web. Tuy nhiên cả hai đều hướng đến việc phát triển duy nhất một ứng dụng thay vì nhiều ứng dụng giống nhau cho mỗi một nền tảng.

Các ứng dụng đa nền tảng mang lại nhiều lợi ích (các lợi ích này cũng đúng cho PWA):

  • Tiếp cận rộng hơn: Có thể sử dụng trên nhiều hệ điều hành (iOS, Android), tăng cơ hội tiếp cận người dùng.
  • Thời gian phát triển nhanh hơn: Dự án phát triển đơn giản hơn so với việc tạo nhiều ứng dụng gốc, giúp tiết kiệm thời gian.
  • Trải nghiệm người dùng nhất quán: Các ứng dụng đa nền tảng có giao diện đồng nhất trên các nền tảng khác nhau, làm tăng sự quen thuộc cho người dùng.
  • Cơ sở mã nguồn chung: Tái sử dụng mã và hiệu quả trong quá trình phát triển.
  • Triển khai dễ dàng hơn: Cập nhật được tung ra đồng thời trên tất cả các nền tảng.
  • Hiệu quả về nguồn lực: Cần ít tài nguyên và nhóm phát triển nhỏ hơn.
  • Chi phí thấp hơn: Chi phí phát triển và bảo trì giảm nhờ sử dụng một cơ sở mã cho nhiều nền tảng.

Kết luận

Hy vọng rằng việc điểm qua 10 xu hướng lập trình trong năm 2024 sẽ giúp các bạn có thêm những khái niệm mới ngoài những xu hướng truyền thống. Việc cập nhật tin tức, công nghệ là một kỹ năng sống còn đối với nhân lực trong ngành nếu không muốn nhanh chóng bị đào thải ngồi nhìn … AI rung đùi cướp mất việc làm của chính mình!

Comments: 96

Để lại một bình luận