Tài chính xanh: Thách thức cho các nước đang phát triển?

Tương tự như “Tech”, “Eco”, hiện nay xuất hiện khá nhiều bài báo, bài phát biểu, công bố nói về “Green” như Green economy, Green Investment, Green energy, green bond, … trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về “Green Finance” – Tài chính xanh: Thách thức nào cho các nước đang phát triển?

  1. Tài chính xanh là gì?

Thế giới đang phải đối mặt với một thách thức vô cùng lớn trong lịch sử hình thành và tồn tại của Trái Đất – biến đổi khí hậu. Trước những bằng chứng khoa học ngày càng rõ rệt về tác động tàn phá của biến đổi khí hậu, rõ ràng là cần phải có hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề trên. Nền kinh tế toàn cầu ngày càng kết nối với nhau, tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu phải phối hợp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy hành động vì môi trường, bao gồm cả lĩnh vực hoạt động của tài chính xanh.

Vậy Tài chính xanh là gì? Đơn giản đó là một thuật ngữ đề cập đến các chính sách tài chính cho các dự án và sáng kiến phát triển bền vững, các dự án về môi trường và các chính sách khuyến khích phát triển một nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Tài chính xanh có thể bao gồm các chính sách tài chính cho các dự án về khí hậu, các mục tiêu môi trường khác, ví dụ như kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, vệ sinh nguồn nước hoặc bảo vệ đa dạng sinh học.

Tương quan giữa các bên trong hệ sinh thái của tài chính xanh

  1. Tại sao tài chính xanh lại có vai trò quan trọng đối với các nước đang phát triển?

Tại các nước đang phát triển, tài chính xanh thu hút được sự chú ý từ Chính phủ, đến các tổ chức và các cá nhân trong cộng đồng quan tâm vì các lý do sau:

Lý do thứ nhất: Các nước đang phát triển hiện là các công trường của thế giới với các dự án, nhà máy, các hoạt động kinh tế, xã hội đều đang có tần suất lớn, có thể gây ra các tác động đến môi trường, thậm chí có thể lớn hơn so với các nước phát triển rất nhiều. Việc thường xuyên phải đối mặt với áp lực môi trường cao hơn do sự phát triển kinh tế nhanh chóng và sự gia tăng dân số dẫn tới phát sinh các nhu cầu về đầu tư và phát triển bền vững và các vấn đề có liên quan. Tài chính xanh chính là một trong các giải pháp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm không khí, nước và đất đai, tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên tự nhiên mà có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và sự phát triển bền vững của các cộng đồng.

Lý do thứ hai: Nhu cầu đầu tư phát triển lớn, đa dạng hóa các hoạt động để thu hút đầu tư

Các nước đang phát triển thường cần đầu tư vào hạ tầng cơ sở như năng lượng, giao thông và nước sạch, bên cạnh các dự án kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu khác. Đa dạng hóa được nguồn dự án nhằm gọi vốn, đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức đầu tư quốc tế, tài chính xanh là kênh tài chính bổ sung việc cung cấp nguồn vốn và hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển hướng tới hiệu suất tài chính cao và tiềm năng phát triển lâu dài, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hơn nữa, các nước đang phát triển thường phải đối mặt với các rủi ro từ biến đổi khí hậu, như cạn kiệt tài nguyên tự nhiên, thiên tai và khả năng chịu đựng kém của cơ sở hạ tầng. Ảnh hưởng đến môi trường là toàn cầu nên nhằm giảm thiểu các rủi ro chung đến môi trường toàn cầu, tài chính xanh giúp tăng cường khả năng chống chịu của các nước này thông qua việc đầu tư vào các dự án hạ tầng và công nghệ bền vững, phát triển công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng.

Lý do thứ ba: Netzero – tăng thêm giá trị nhờ đầu tư và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Net zero có nghĩa là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển – không phát thải thêm khí CO2. Để đạt được mức net zero, cần phải cắt giảm lượng khí thải từ nhà cửa, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Sự cân bằng này còn được gọi là mức phát thải ròng bằng 0. Hiện nay, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu net-zero. Các nước đang phát triển hoàn toàn có thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm tăng thêm được giá trị. Ví dụ Việt Nam đã thực hiện việc bán tín chỉ carbon rừng và có tổ chức đã trả 10USD/tấn CO2. Như vậy nếu các nước đang phát triển vẫn còn có thể bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hoàn toàn có thể theo đuổi mục tiêu “kép” gìn giữ môi trường và phát triển kinh tế, tăng thêm giá trị.

  1. Thách thức của tài chính xanh tại các nước đang phát triển là gì?

Thách thức thứ nhất: Sự thiếu hụt vốn đầu tư vào các dự án phát triển bền vững.

Các dự án tài chính xanh thường đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn để triển khai, nhưng các nước đang phát triển thường gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư đối với các lĩnh vực này. Nếu như đối với lĩnh vực thu hút vốn ở các nước đang phát triển là các ngành có lao động giá rẻ, ưu đãi từ Chính phủ thì đối với các lĩnh vực đầu tư về môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tái tạo thường không phải là những ngành mang lại khả năng lợi nhuận cao và thời gian hoàn vốn tốt. Theo báo cáo của tổ chức Năng lược quốc tế (International Energy Agency (IEA) được trình bày tại High-Level Political Forum (HLPF), Sustainable Development vào năm 2023 đã cho thấy dòng tiền đổ vào các hoạt động năng lượng sạch thậm chí còn tiếp tục sụt giảm ở các nước đang phát triển với 10.8 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021, thấp hơn 35% so với trung bình giai đoạn 2010-2019 và chỉ bằng 40% của giá trị đầu tư cho hoạt động này năm 2017 (giá trị cao nhất được ghi nhận trong lịch sử đầu tư vào năng lượng sạch là 26.4 tỷ đô la Mỹ). Vấn đề này cho thấy khủng hoảng chính trị và kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến dòng tiền đến các hoạt động phát triển bền vững.

Thách thức thứ hai: Sự thiếu hụt kiến thức và nhận thức về tài chính xanh

Đây là thách thức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng thêm thách thức cho các nước đang phát triển. Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ về lợi ích và cơ hội mà tài chính xanh có thể mang lại. Theo khảo sát của tốc chức dịch vụ ngân hàng Mambu được thực hiện năm 2021, chỉ khoảng 35% người tiêu dùng toàn cầu hiểu tài chính xanh là “Dịch vụ tài chính tài trợ cho các tổ chức và dự án có tác động tích cực đến hành tinh”. Tương tự, tài chính xanh là “các dịch vụ tài chính thể hiện cam kết mạnh mẽ về bền vững và các mục tiêu ESG rộng lớn hơn” thì cũng chỉ ghi nhận 33% người tiêu dùng toàn cầu hiểu theo nghĩa này.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và các chính phủ địa phương. Ví dụ, Ban Đầu tư Quốc tế (IFC) đã triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính xanh như “Chương trình Môi trường và Xã hội” để tạo ra các cơ hội đầu tư và phát triển bền vững cho các quốc gia đang phát triển. Tổ chức Liên hợp Quốc và Ngân hàng thế giới cũng trích các nguồn quỹ hàng năm để đầu tư gia tăng nhận thức và ý thức đối với người dân và các tổ chức trong cộng đồng.

Thách thức thứ ba: Sự đồng bộ của Nhận thức – Ý thức – Thích ứng và Hành lang quy định về tài chính xanh

Không chỉ đơn thuần chỉ dừng lại ở Nhận thức và Ý thức, sự thích ứng giữa các yếu tố này đến từ các cá nhân và tổ chức đồng thời thích ứng được, tạo sự sẵn sàng trong cộng đồng, đồng hành cùng hệ thống quy định, hành lang pháp lý của các Chính phủ có thể dẫn đến thành công nhanh chóng hơn trong việc áp dụng và phát triển tài chính xanh tại các nước đang phát triển.

Theo báo cáo của Liên hợp Quốc thì hiện nay các khuôn khổ chính sách, quy định và thuế tại các nước đang phát triển đang theo đuổi quá nhiều mục tiêu, chưa tạo được hành lang và công cụ pháp lý nhằm khuyến khích và lan tỏa đến tất cả các đối tượng trong xã hội sự thấu hiểu, nâng cao ý thức và tính chủ động của các đối tượng trong xã hội hướng tới các vấn đề về phát triển bền vững và đặc biệt là tài chính xanh.

3. Lời kết

Chúng ta đều đã nhìn thấy vai trò và thách thức của tài chính xanh tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trước tiên đối với mỗi cá nhân chúng ta và trong tổ chức chúng ta công tác, đặc biệt là các tổ chức giáo dục, nhiệm vụ lan tỏa tri thức và nâng cao ý thức về tài chính sẽ góp phần tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và bền vững cho tất cả các bên liên quan.

 

Danh sách tài liệu tham khảo

Berrou, R., Ciampoli, N., Marini, V. (2019). Defining Green Finance: Existing Standards and Main Challenges. In: Migliorelli, M., Dessertine, P. (eds) The Rise of Green Finance in Europe. Palgrave Studies in Impact Finance. Palgrave Macmillan, Cham. https://doi.org/10.1007/978-3-030-22510-0_2

Höhne, N., Khosla, S., Fekete, H., & Gilbert, A. (2012). Mapping of green finance delivered by IDFC members in 2011. Cologne: Ecofys.

International Energy Agency (IEA), the International Renewable Energy Agency (IRENA), the United Nations Statistics Division (UNSD), the World Bank, and the World Health Organization (WHO), 9th report on Global Tracking Framework (GTF), 2023

Mambu, (2021) “Is the grass greener on the sustainable side”,

Tam An, (2024), “Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng: Có tổ chức trả tối thiểu 10 USD/tấn CO2”, https://vietnamnet.vn/viet-nam-ban-tin-chi-carbon-rung-co-to-chuc-tra-toi-thieu-10-usd-tan-co2-2265884.html

Tâm An, (2024), “Một triệu ha lúa phát thải thấp: Có thể thu 100 triệu USD từ bán tín chỉ carbon”, https://www.unep.org/regions/asia-and-pacific/regional-initiatives/supporting-resource-efficiency/green-financing

United Nations, Financing for Sustainable Development Report 2024, 2024

 

 

 

 

 

 

5/5 - (1 bình chọn)
Comments: 98

2 thoughts on “Tài chính xanh: Thách thức cho các nước đang phát triển?

    • DIÊM HẢI says:

      Xin cảm ơn ý kiến của Cô ạ! Mình đã gửi bài tiếp theo để Cô theo dõi nhé! Rất mong Thầy Cô quan tâm và đưa vào trong các bài giảng cũng như chủ để nghiên cứu cho các bạn trẻ để hiểu và thực hành!

Để lại một bình luận