Tài chính bền vững và Tài chính xanh

Câu hỏi tôi nhận được của các anh chị độc giả trong những ngày qua là: “Sự khác biệt giữa tài chính xanh và tài chính bền vững là gì?”

Trong bài viết này, tác giả sẽ tóm lược lại những điểm khác biệt chính giữa tài chính bền vững và tài chính xanh.

Khái niệm cơ bản

Tài chính xanh đề cập đến các chính sách tài chính (phần lớn gắn với huy động vốn) để giải quyết các vấn đề về khí hậu và môi trường (tài chính xanh) và cải thiện quản lý rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu và môi trường (tài chính xanh), vì một mục tiêu phát triển bền vững. Tài chính bền vững là sự phát triển cao hơn nữa của tài chính xanh vì nó tính đến các vấn đề và rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), với mục đích tăng cường hiệu quả lâu dài đầu tư vào các hoạt động và dự án kinh tế bền vững [1].

Sự giống và khác nhau

Có thể nhận thấy cách thức mà Cộng đồng Châu Âu ghi nhận hai mảng tài chính đều hướng tới sự phát triển bền vững như một mục tiêu cuối cùng tuy nhiên Tài chính xanh hướng tới các vấn đề về môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thường gắn với công tác huy động vốn để thực hiện tài trợ các dự án trên. Trong khi tài chính bền vững được bao hàm rộng hơn, không chỉ còn yếu tố môi trường mà còn hướng tới yếu tố về xã hội, sự bền vững của chính hệ thống tài chính, kinh doanh toàn cầu; không chỉ tập trung vào huy động vốn tài trợ mà còn tập trung vào hiệu quả đầu tư [1].

Hình 1: Hệ thống các thuật ngữ có liên quan

Cộng đồng các nước OECD đã ước tính rằng cần 6,35 nghìn tỷ Euro để đáp ứng được các mục tiêu mà Thỏa thuận Paris đặt ra đến năm 2030 trong khi Ủy ban Châu Âu ước tính rằng chỉ riêng lĩnh vực khí hậu và năng lượng hàng năm đã cần đầu tư 240 tỷ Euro để đáp ứng các mục tiêu Châu Âu về khí hậu và năng lượng vào năm 2030 [1]. Nhằm thực hiện các mục tiêu kể trên, hệ thống tài chính được đề xuất thông qua “tài chính khí hậu”, “tài chính xanh” và “tài chinh bền vững”. Trong đó, “tài chính khí hậu” cung cấp vốn cho các dự án thích ứng hoặc giảm thiểu thay đổi khí hậu, “tài chính xanh” phủ rộng hơn với các yếu tố về mục tiêu môi trường nói chung (bảo vệ/phục hồi đa dạng sinh học, …) và cuối cùng “tài chính bền vững” mở rộng phạm vi đến cả các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Một điều thú vị là đối với tài chính xanh, có thể phân chia thành hai khía cạnh: (i) “Greening Finance” hay còn gọi là “làm xanh tài chính” nghĩa là sử dụng các công cụ, các quy trình, hành lang quy định để có thể làm hệ thống tài chính được an toàn hơn, gắn với yếu tố môi trường hơn và (ii) “green financing” là khía cạnh thường được hiểu là tài trợ cho các dự án “xanh” và cũng được hiểu một cách phổ biến hơn cả đối với khái niệm tài chính xanh.

Một số các ví dụ minh họa của hai hệ thống

Tài chính xanh

Theo kết quả nghiên cứu và tư vấn của UNEP (Nền tảng của các chuyên gia cố vấn quốc tế ), các rủi ro về môi trường và khí hậu có thể dẫn tới các rủi ro và bất ổn  của hệ thống tài chính nên trong khoảng thời gian 10 năm vừa qua (2000-2019) đã có khoảng 400 chính sách và biện pháp ở cấp quốc gia và cấp khu vực để thúc đẩy tài chính xanh và bền vững.

Hình 2: Số lượng các quy định theo nhiều cấp độ khác nhau được ban hành về tài chính xanh trong giai đoạn 2000-2019

Tài trợ cho dự án “xanh” được thực hiện với số lượng các dự án và số vốn tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Số lượng và giá trị của trái phiếu xanh vẫn áp đảo và liên tục tăng trưởng trong 10 năm qua. Các công cụ gắn với yếu tố bền vững bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2018.

Hình 3: Giá trị các công cụ tài chính được phát hành tài trợ cho các dự án “xanh” giai đoạn 2013-2019 toàn cầu

Tài chính bền vững

“Nền tảng tài chính bền vững” được thành lập trong khuôn khổ của “The EU Taxonomy Regulation”, đây là bộ phân được tạo bởi các chuyên gia đến từ doanh nghiệp, các tổ chức công, các trường Đại học, và từ các ngành nghề khác nhau. Nền tảng này có nhiệm vụ tư vấn cho Ủy ban Châu Âu các tiêu chí sàng lọc kỹ thuật để xác định thời điểm của một hoạt động kinh tế được coi là vì mục tiêu bền vững. Nền tảng này cũng sẽ thực hiện các hoạt động giám sát và báo cáo về dòng vốn hướng tới đầu tư bền vững  và hướng tới chính sách tài chính bền vững.

Năm 2019, Diễn đàn quốc tế về tài chính bền vững với mục đích trao đổi các thực hành tốt và hướng tới chuẩn bị nền tàng tiêu chuẩn quốc tế về tài chính bền vững. Tháng 4 năm 2024, INFF (Khung tài chính quốc gia tích hợp) đã công bố báo cáo “Hiệu quả tài chính cho con người và Hành tinh: Các quốc gia đang xây dựng hệ sinh thái tài chính bền vững thông qua INFF” tại trụ sở của Liên hợp quốc. Báo cáo cung cấp những hiểu biết sâu sắc và bài học kinh nghiệm cho các quốc gia tăng cường tài trợ cho phát triển bằng cách sử dụng phương pháp INFF, đồng thời đưa ra 10 khuyến nghị cho Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển (FfD4) sắp tới vào tháng 6 năm 2025 [2]. 03 khuyến nghị chính được tập trung giới thiệu là:

(i) Công nhận INFF là công cụ lập kế hoạch tài chính cơ bản cấp quốc gia về tài trợ cho phát triển, hướng dẫn chính sách tài chính công, tư, trong nước và quốc tế cho phát triển bền vững.

(ii) Tăng cường các thể chế công – tư để huy động và điều chỉnh nguồn tài chính tốt hơn cho các mục tiêu phát triển bền vững.

(iii) Khuyến khích cách tiếp cận tổng hợp về tài chính trong đó lồng ghép các cân nhắc về biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và các mục tiêu bền vững rộng hơn trên tất cả các khía cạnh của chính sách tài chính.

Một số các hành động với Tài chính xanh và Tài chính bền vững tại Việt Nam

Tháng 4 năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với IFC công bố cẩm nang về hướng dẫn phát hành các loại trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững [3]. Tiếp đó, năm 2023, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế thế giới lần thứ 53 tại Davos, Việt Nam đã tích cực thảo luận để xây dựng các hành lang quy định về tài chính xanh nhằm thu hút nguồn vốn quốc tế đối với các dự án xanh tại Việt Nam [4].

Thời gian tới, trước những thách thức của tăng trưởng kinh tế gắn với các yếu tố môi trường, xã hội và bối cảnh quốc tế luôn nằm trong trạng thái động, Việt Nam càng cần đẩy nhanh hơn nữa ban hành và hoàn thiện hệ thống hành lang quy định đối với chính sách tài chính hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xanh được triển khai từ chính sách thu NSNN thông qua các khoản thuế, phí và lệ phí; chính sách chi NSNN dành cho chi sự nghiệp bảo vệ môi trường và các chính sách tài chính khác như: tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, thị trường tín chỉ carbon,… dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đã phát triển và tham chiếu với tình hình cụ thể trong nước.

 “The EU Taxonomy Regulation (Regulation (EU) 2020/852)” [5]

Hệ thống quy định này được ban hành tháng 6 năm 2020, là khung quy định của Liên minh châu Âu (EU), được thiết lập để phân loại các hoạt động kinh tế được xác định là bền vững về mặt môi trường. Nó nhằm cung cấp một ngôn ngữ và tiêu chí chung cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà chính sách để xác định liệu một hoạt động kinh tế có đóng góp vào mục tiêu môi trường không, đặc biệt là trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và thích ứng với nó.

Tài liệu tham khảo:

[1] Stefano Spinaci (2021), “Green and sustainable finance”, Briefing European Parliament (https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2021/679081/EPRS_BRI(2021)679081_EN.pdf)

 

[2] INFF (2024), ‘Making Finance Work for People and Planet: How Countries are Building their Sustainable Finance Ecosystem through Integrated National Financing Frameworks’ (https://inff.org/resource/making-finance-work-for-people-and-planet-how-countries-are-building-their-sustainable-finance-ecosystem-through-integrated-national-financing-frameworks)

 

[3] International Finance Corporation (2021), “How to Issue Green Bonds, Social Bonds and Sustainability Bonds”

 

[4] VNA (2023), “Vietnam improving legal framework to attract green finance, green technology”, https://en.vietnamplus.vn/vietnam-improving-legal-framework-to-attract-green-finance-green-technology/247181.vnp

 

[5] EU (2020, The EU Taxonomy Regulation (Regulation (EU) 2020/852)

 

Dữ liệu thu thập từ:

1.Bloomberg NFF, 2019

2.UNEP 2020 Inquiry

 

 

 

Rate this post
Comments: 96

Để lại một bình luận