Những yêu cầu đổi mới trong việc đào tạo thiết kế đồ họa đa phương tiện trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy lĩnh vực thiết kế số bước lên tầm cao mới với hàng loạt nhóm việc làm với mức thu nhập hấp dẫn, vị trí việc làm đa dạng khi ra trường: sản xuất phim, công nghiệp game, xưởng hoạt hình, lĩnh vực truyền thông quảng cáo, trải nghiệm người dùng và giao diện người dùng (UX,UI)….

Đào tạo thiết kế đồ hoạ nói chung và thiết kế đồ hoạ đa phương tiện nói riêng vì thế cần đổi mới để đáp ứng kịp thời những thay đổi nhu cầu về việc làm cũng như đời sống thẩm mỹ của xã hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Tuy nhiên sự gia tăng về nhu cầu chưa tỉ lệ thuận với gia tăng đội ngũ giảng dạy hay sự đáp ứng của chương trình, cơ sở vật chất tại hầu hết các trường đại học và cơ sở đào tạo. Do đó, các trường đại học, trung tâm và các cơ sở đào tạo đang nỗ lực thay đổi, cải tiến, cập nhật đội ngũ giảng viên và phương tiện kỹ thuật để phù hợp với những thay đổi mới. Bài báo đề cập đến tầm quan trọng và những lợi ích của đồ hoạ quảng cáo đa phương tiện và những yêu cầu trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành này trong các trường Đại học đào tạo mỹ thuật ứng dụng.

Đặt vấn đề

Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật trong kỷ nguyên số đã làm biến mất một số ngành đào tạo, ngược lại lại làm gia tăng nhu cầu, tạo đà phát triển cho nhiều ngành nghề đào tạo chủ yếu liên quan đến công nghiệp công nghệ số.

Ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021; số lượng doanh nghiệp hơn 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long cho biết thông tin trên tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội. [1]

Theo đó, trong các ngành nghề liên quan đến sáng tạo, thiết kế đồ hoạ đa phương tiện cũng có những bước tiến vượt bậc và đặt ra nhu cầu lớn của thị trường lao động trong lĩnh vực này.

Trong 12 ngành mà Việt Nam xác định là công nghiệp văn hóa bao gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa thì đều có sự tham gia của thiết kế đồ hoạ. [2]

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đảo bảo cho các hoạt động ứng dụng và quảng cáo theo nhu cầu của thị trường thì việc giảng dạy đồ hoạ kỹ thuật số và thiết kế đa phương tiện trong giáo dục đại học cần có những đổi mới và nâng cao chất lượng tương ứng với đòi hỏi của xã hội.

  1. Thiết kế đồ hoạ đa phương tiện và những lợi ích của đồ hoạ đa phương tiện trong quảng cáo

 Thiết kế đồ hoạ đa phương tiện là ngành đào tạo ra những nhà thiết kế, chuyên gia cho những sản phẩm phục vụ truyền thông quảng cáo hiện đại như Website (trang thông tin điện tử), Application (ứng dụng di động) , trò chơi điện tử (game), Interactive Advertising (Quảng cáo tương tác), phim ảnh, Video quảng cáo… bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số hiện đại như Motion Capture (Công nghệ ghi hình chuyển động), Visual Effects (Hiệu ứng hình ảnh), Animation (Hoạt họa) Graphic Motion ( Đồ hoạ động), Augmented Reality (AR) (Thực tế tăng cường) và Virtual Reality (VR) (Thực tế ảo), …

Không chỉ là những nhiệm vụ của thiết kế đồ hoạ truyền thống như lên ý tưởng, vận dụng các công cụ phần mềm thiết kế để tạo ra những hình ảnh tĩnh (2D), thiết kế đồ hoạ đa phương tiện đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và cập nhật về công nghệ cao hơn nhiều với việc chú trọng sử dụng các công nghệ số vào hình ảnh chuyển động, âm thanh và tương tác trực quan khác.

Thiết kế đồ hoạ phương tiện ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong công nghệ quảng cáo hiện đại với nhiều tác dụng tích cực nhằm thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả. Những tác dụng mạnh mẽ của thiết kế đồ hoạ đa phương tiện trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học 4.0 có thể kể đến:

Tăng cường tính tương tác: Thiết kế đồ hoạ đa phương tiện tạo ra các yếu tố động hấp dẫn trong quảng cáo, giúp tăng cường tính tương tác với khán giả. Một số sản phẩm đa phương tiện có thể tương tác trực tiếp với người sử dụng, rút ngắn thời gian giao dịch, kết nối.

Tạo sự nhấn mạnh và hiệu ứng mạnh mẽ: Sử dụng những yếu tố chuyển động trong thiết kế đồ hoạ đa phương tiện cho phép quảng cáo nổi bật và tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, giúp truyền tải thông điệp của sản phẩm hoặc dịch vụ một cách rõ ràng và đáng nhớ.

Truyền đạt thông tin phức tạp một cách dễ hiểu: Thiết kế tĩnh đa phần chỉ có thể truyền tải hiệu quả với các thông tin ngắng gọn, súc tích, tuy nhiên thiết kế đồ hoạ sô lại có thể giúp truyền tải thông tin phức tạp một cách trực quan và dễ hiểu. Bằng cách sử dụng hình ảnh, biểu đồ, và đồ hoạ động, quảng cáo có thể giải thích các ý tưởng phức tạp một cách trực quan và hấp dẫn.

Tạo không gian sáng tạo: Với đặc trưng đa dạng phương tiện sử dụng nội dung đầu vào ( như âm thanh, hình ảnh chuyển động, tương tác…) cũng như thiết bị đầu ra, thiết kế đồ hoạ kỹ thuật số đã mở ra không gian sáng tạo cho các nhà quảng cáo để thể hiện ý tưởng mới mẻ và độc đáo một cách dễ dàng và phong phú hơn nhiều so với đồ hoạ tĩnh truyền thống. Sự sáng tạo này có thể thu hút sự chú ý của khán giả và làm nổi bật quảng cáo so với các đối thủ khác.

Tương thích với nhiều nền tảng và thiết bị nâng cao hiệu quả truyền thông: Đồ hoạ chuyển động có thể tương thích với nhiều nền tảng và thiết bị, bao gồm các trang web, ứng dụng di động, mạng xã hội, màn hình LED, và truyền hình. Điều này giúp quảng cáo đạt được khán giả rộng và hiệu quả hơn.

Tạo cảm giác chuyên nghiệp và đẳng cấp: Sử dụng đồ hoạ đa phương tiện trong quảng cáo có xu hướng tạo ra cảm giác chuyên nghiệp vàđẳng cấp. Để thực hiện được một quảng cáo đa phương tiện đòi hỏi nhiều công sức và phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại nên sản phẩm dễ dàng thể hiện được sự đầu tư, tính chuyên nghiệp và đẳng cấp.

Với nhiều lợi ích và tác dụng tích cực trong công nghệ quảng cáo hiện đại như vậy, nhu cầu học tập và việc làm của xã hội đối với lĩnh vực này hiện nay rất cao. Tuy nhiên việc đào tạo đồ hoạ truyền thông đa phương tiện tại các trường đại học và cơ sở giáo dục tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập do đó cần tìm những giải pháp để cải thiện và nâng cao hiệu quả học tập và giảng dạy để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của xã hội.

2. Yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo thiết kế đồ hoạ đa phương tiện theo xu hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội.

 Đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ nói chung và thiết kế đồ hoạ đa phương tiện nói riêng không còn chỉ là đào tạo chuyên môn về mặt thẩm mỹ mà còn có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghệ thuật và khoahọc công nghệ.

Xu hướng đào tạo tập trung vào kỹ năng, sửdụng phần mềm công cụ, tiếp cận được nhiều công nghệ mới đáp ứng được nhu cầu làm việc ngay sau đào tạo tại các doanh nghiệp chủ yếu tại các trung trung tâm đào tạo thiết kếđa phương tiện ngắn hạn. Xu hướng này có ưu điểm là người học sau đào tạo có thể tiếp cận xử lý ngay một số công việc không gặp nhiều bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công cụ hay có yêu cầu khoa học kỹ thuật cơ bản. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất là người học không được đào tạo nền tảng mỹ thuật sáng tạo chính quy, thời gian đào tạo ngắn, dẫn đến những lỗ hổng về thẩm mỹ, thiếu khả năng tư duy và chủ động sáng tạo.

Xu hướng đào tạo tại các trường Đại học, cao đẳng công lập ngược lại thường tập trung đào tạo sâu về các kiến thức chuyên ngành đồ họa cơ bản và truyền thống, thời gian đào tạo dài nhưng người học ít có điều kiện được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều với các công cụ hoặc các yêu cầu kĩ thuật thực tiễn do còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất. Ưu điểm của xu hướng này là người học sau khi ra trường có kiến thức vững vàng vể thẩm mỹ, có tư duy và khả năng sáng tạo tốt, tự tin với các công việc yêu cầu có chuyên môn mỹ thuật cao. Nhược điểm của người học của xu hướng đào tạo này là tự tin về chuyên môn nhưng lại bỡ ngỡ thậm chí cầnphải được doanh nghiệp đào tạo thêm các kỹ năng xử lý và thao tác với các công cụ làm việc thực tiễn, làm hạn chế khả năng hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo.

Như vậy để hoàn thiện nguồn nhân lực vừa có tư duy thiết kế, sáng tạo vừa có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc chất lượng cao, các cơ sở đào tạo Đại học, cao đẳng và cả các trung tâm cần xem xét điều chỉnh chương trình đạo tạo theo xu hướng hài hoà với các nhu cầu thực tiễn của yêu cầu việc làm. Qua đó một số giải pháp có thể cân nhắc điều chỉnh và cải thiện ngay đó là:

  • Bổ sung và đổi mới trang thiết bị và phần mềm chuyên nghiệp phục vụ cho dạy và học:

Đồ họa đa phương tiện bắt buộc sử dụng các phần mềm và trang thiết bị, phần mềm chuyên nghiệp. Người học cóthể học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nhờ sự phát triển lớn của khoa học kỹ thuật liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo…

 

Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Tuyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á. [6]

Do đó việc đổi mới trang thiết bị và sử dụng internet trong việc học đồ hoạ đa phương tiện là điều kiện tất yếu trong bối cảnh không chỉ do đặc thù mà còn do xu thế chung của xã hội. Mặc dù lắp đặt trang thiết bị ban đầu có thể tốn kém và cần có chi phí bảo dưỡng, duy trì nhưng sinh viên chỉ học lý thuyết mà không có thực hành ngay trong quá trình đào tạo thì sau khi ra trường cũng không áp dụng được nhiều lý thuyết vào để thực hiện công việc thực tế.

  • Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy:

Đồ hoạ đa phương tiện là ngành học phụ thuộc rất nhiều vào các phương tiện, thiết bị và công nghệ mới. Do đó việc cập nhật giáo trình theo xu thế phát triển của khoa học công nghệ thế giới là xu thế tất yếu, trong đó giáo dục 4.0 được coi là giáo dục suốt đời, cá nhân hoá, lấy người học làm trung tâm.

Chương trình học cần thường xuyên đổi mới và bám sát những thay đổi biến động về khoa học công nghệ theo xu hướng kết hợp đào tạo thẩm mỹ và kỹ năng, bámsát những biến động về thói quen và khả năng tiếp cận của người học. Giáo trình giảng dạy cần có cập nhật thường xuyên dựa theo nhu cầu thực tiễn của xã hội, tránh đào tạo lâu, dàn trải làm mất đi cơ hội cọ xát, tiếp xúc sớm của người học với những công việc chuyên môn thực tế nhưng cũng không quá gấp rút, chỉ đào tạo phần nổi về kỹ năng, kỹ thuật mà bỏ qua nền tảng thẩm mỹ và tư duy thiết kế cơ bản. Tăng cường giảng dạy lý thuyết đi đôi với các hoạt động thực hành. Phát triển vai trò của doanh nghiệp trong ngành thiết kế đồ hoạ cũng là một chìa khóa để nâng cao hiệu quả đào tạo. Ngành đào tạo thiết kế đồ hoạ không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng mà còn phải thấu hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp, các tổ chức để có thể nâng cao khả năng đáp ứng. [7]

  • Bổ sung nguồn giảng viên có chuyên môn cao:

Để dạy đồ họa đa phương tiện, cần có giảng viên có kiến thức chuyên môn cao về lĩnh vực này. Nếu các cơ sở đào tạo không có đủ giảng viên chuyên nghiệp, việc giảng dạy và hướng dẫn sinh viên có thể gặp khó khăn. Bởi vì đây là môn học nghệ thuật có kết hợp với khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nên bản thân người dạy cũng phải thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức liên tục và đảm bảo rằng nội dung đào tạo đáp ứng được những xu hướng và tiến bộ mới nhất. [8]

Tuy có những khó khăn, nhưng đào tạo thiết kế đồ hoạ đa phương tiện trong nhà trườngmang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giúp họ phát triển kỹ năng sáng tạo và công nghệ, và mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực nghệ thuật và công nghệ đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi có thể tận dụng được nguồn lao động trong nước dồi dào với chất lượng cao.[9]

 3. Kết luận

Thực tế cho thấy mong muốn được đào tạo thiết kế đồ hoạ nói chung và thiết kế đồ hoạ đa phương tiện nói riêng của người học ngày càng gia tăng tỉ lệ thuận với sựu gia tăng của nhu cầu việc làm cũng như sự yêu thích đối với chuyên ngành vừa có yếu tố thẩm mỹ lại vừa gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của công nghệ thông tin.

Số lượng thí sinh tham gia dự tuyển chuyên ngành thiết kế đồ hoạ của các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng có xu hướng tăng cao cả về số lượng lẫn số điểm đầu vào. Như vậy nguồn đầu vào cho đào tạo thiết kế đồ hoạ đa phương tiện tương đối chất lượng so với mặt bằng chung. Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy  để đào tạo những người học này trở thành những nhân lực lao động có chất lượng cao, đáp ứng và thích nghi được với những thay đổi không ngừng về loại hình, phương thức quảng cáo, truyền thông đa dạng trong thời đại kỹ thuật số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục đào tạo tại các trường mỹ thuật ứng dụng. Đó cũng là nhu cầu chính đáng của người học khi yêu thích, lựa chọn và theo đuổi ngành học mới mẻ và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp này trong tương lai.

 

Tài liệu tham khảo:

[1].Hiền Minh (2022) Xuất khẩu của ngành công nghệ số đạt 136 tỷ USD (08/12/2022). Nguồn: https://baochinhphu.vn/xuat-khau-cua-nganh-cong-nghe-so-dat-136-ty-usd-102221208122904636.htm

[2].Hồ Trọng Minh (2022),Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực ngành thiết kế đồ hoạ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật số 493- tháng 3/2022

[3].Lê Trọng Nga (2019), Đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ theo xu hướng nhu cầu xã hội, Tạp chí Khoa học Viện Đại học Mở Hà Nội (04/2019)

[4].Trần Thị Biển (2022) Đào tạo thiết kế đồ hoạ ở Việt Nam trong kỷ nguyên kỹ thuật số và bối cảnh không tiếp xúc trực tiếp- Thực trạng và những vấn đề đặt ra,Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật số 4/2022.

[5]. Nguyễn Nghĩa Phương (2021) Ngành đào tạo thiết kế đồ hoạ trước thách thức, cơ hội từ chiến lược công nghiệp văn hoá và cách mạng 4.0 ở Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Giải pháp đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

[6] Phi Long (2023) ‘Internet Day 2022: Người dùng Internet Việt Nam đạt hơn 70% dân số sau 25 năm’, Báo điện tử VTV News, vtv.vn website, truy cập ngày 13 October 2023. https://vtv.vn/cong-nghe/internet-day-2022-nguoi-dung-internet-viet-nam-dat-hon-70-dan-so-sau-25-nam-2022120411142802.htm.

[7]. Nguyễn Lê Duy (2021) Một số giải pháp ngành thiết kế đồ hoạ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Giải pháp đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

[8]. Nguyễn Lan Hương, 2022. Phát triển thiết kế đồ hoạ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở Hà Nội.

[9]. Nguyễn Văn Khánh (2021) Cơ hội và thách thức cách mạng công nghiệp 4.0- Giải pháp đào tạo ngành thiết kế: UX/UI, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Giải pháp đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

5/5 - (1 bình chọn)
Comments: 96

Để lại một bình luận