Một số phương pháp tiếp cận Lịch sử nghệ thuật đối với sinh viên nghành Thiết kế đồ hoạ (Phần 1)

Đối với sinh viên các chuyên ngành sáng tạo: mỹ thuật, thiết kế, nền tảng hiểu biết về lịch sử nghệ thuật, thẩm mỹ là một trong những nội dung vô cùng quan trọng trong những kỳ học đầu tiên trước khi thực hành chuyên ngành. Tìm hiểu lịch sử nghệ thuật không chỉ đơn thuần là học các kỹ thuật tạo tác nghệ thuật khác nhau được sử dụng từ quá khứ đến hiện tại. Với cách tiếp cận đúng đắn, lịch sử nghệ thuật có thể mang đến một góc nhìn sâu hơn về các nền văn hóa trong quá khứ. Điều gì là quan trọng đối với con người trong quá khứ? Quan điểm thẩm mỹ của con người đã thay đổi như thế nào qua thời gian, khác biệt ra sao ở từng cộng đồng, không gian địa lý và địa hạt văn hoá. Những nhà thực hành nghệ thuật đã thể hiện quan điểm bằng cách thức ra sao, dùng ngôn ngữ nghệ thuật để phán ánh những vận động trong lịch sử, xã hội, văn hoá như thế nào?

Nghiên cứu lịch sử nghệ thuật – thiết kế giúp sinh viên nâng cao hiểu biết về bối cảnh nghệ thuật và thiết kế, rộng hơn thông qua đó hiểu về sự vận hành của thế giới; từ đó kế thừa di sản văn hoá, thẩm mỹ,  và vận dụng sáng tạo trong quá trình sáng tác của mình sau này. Nhà nghiên cứu Wenger (1998) đã chỉ ra “tìm hiểu bối cảnh lịch sử, văn hoá, nghệ thuật thúc đẩy chúng ta tạo ra cấu trúc và ý nghĩa cho những gì chúng ta làm”. Hay tác giả Díaz-Kommonen (2004) cũng lập luận: các sản phẩm nghệ thuật có thể được xem như công cụ, “… lăng kính, hay góc nhìn, cho phép chúng ta hiểu rõ những khái niệm, quan điểm, ý tưởng và cách chúng tương tác với nhau trong một cộng đồng người dùng”. Điều này thực sự có ý nghĩa cho sinh viên thiết kế – những người chịu trách nhiệm tạo ra những sản phẩm truyền thông hướng tới và thoả mãn nhu cầu, thị hiếu của người dùng trong tương lai.

Vậy bằng cách nào chúng ta có thể thu hút sinh viên thiết kế với nhóm kiến thức lịch sử nghệ thuật và giúp họ khai thác nguồn tài nguyên đó? Từ đó chủ động, sáng tạo truyền đạt các khía cạnh của nền văn hóa với vai trò của những nhà thiết kế?

Có rất nhiều phương pháp để tiếp tận lịch sử nghệ thuật, tuỳ thuộc vào các phương pháp học tập và đối tượng người học. Bài viết sẽ giới thiệu một số phương pháp tiếp cận phù hợp với nhóm sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ.

Tiếp cận qua tác phẩm nghệ thuật (artwork)

Đây là một trong những cách thức tiếp cận “truyền thống” nhất, sinh viên có thể tìm hiểu tác phẩm nghệ thuật từ từ, từ đó mở rộng các kiến thức nghệ thuật, thẩm mỹ từ cơ bản tới nâng cao. Điều thú vị là sinh viên có thể thực hành với tác phẩm theo cách này ở bất cứ môi trường nào: trong lớp học, tại nhà, tại không gian triển lãm/bảo tàng, hay từ các nguồn mở trên Internet. Sinh viên Đồ hoạ sẽ được khuyến khích quá trình tiếp cận gồm 5 bước để xem xét và suy ngẫm cẩn thận với bất kỳ tác phẩm nào. Quy trình 5 bước được truyền cảm hứng từ phương pháp phê bình thẩm mỹ của Edmund Burke Feldman – được sử dụng phổ biến ở các trường học và bảo tàng tại Mỹ.

Bước 1 – Quan sát:

Ở bước làm quen này, sinh viên sẽ có thời gian để lựa chọn tác phẩm, chiêm ngưỡng, quan sát tác phẩm, chú ý đến mọi chi tiết, cố gắng ghi nhớ hình ảnh, đặt câu hỏi về những ấn tượng đặc biệt của mình về tác phẩm. Rời khỏi tác phẩm sau vài phút và quay lại mô tả những gì ghi nhớ được. Ví dụ: hình ảnh, các chi tiết, tên tác phẩm, tên tác giả, năm sáng tác,…

Bước 2 – Mô tả:

Sinh viên sẽ tiến hành mô tả tác phẩm một cách chi tiết tác phẩm, sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành, bao gồm các yếu tố thị giác (điểm, nét, mảng, màu sắc, ánh sáng, không gian, chất liệu,…) và các nguyên lý thị giác (cân bằng, tương phản, nhịp điệu, trật tự sắp xếp bố cục,…). Ở bước này, sinh viên sẽ vận dụng, củng cố các kiến thức của module trước đó, điều này cũng tạo ra không khí chủ động, thích thú khi được mô tả tác phẩm với góc nhìn thực sự chuyên nghiệp.

Bước 3 – Suy ngẫm – Luận giải:

Khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi từ đơn giản tới chuyên sâu xung quanh tác phẩm, tác giả, bối cảnh sáng tác. Mục đích để giúp sinh viên tìm hiểu câu chuyện, ý nghĩa đằng sau tác phẩm, điều gì đã ảnh hưởng tới tác phẩm (bao gồm các yếu tố: xu hướng thẩm mỹ, điều kiện xã hội, chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật, kỹ thuât chế tác, nguyên vật liệu, …), cũng như phát triển tư duy phản biện cho sinh viên, và từ đó mở rộng kiến thức lịch sử, văn hoá dựa vào mối quan tâm thực sự của sinh viên với tác phẩm mà mình yêu thích và lựa chọn.

Bước 4 – Đánh giá:

Khuyến khích sinh viên đưa ra những lập luận, quan điểm cá nhân, những nhận định, đánh giá dựa trên quá trình quan sát tỉ mỉ, nghiên cứu tài liệu và cảm xúc của người xem. Đồng thời, tổng kết những trải nghiệm sinh viên có được thông qua việc nghiên cứu tác phẩm.

Bước 5 – Thử thách sáng tạo:

Đây là bước cuối cùng trong quá trình tiếp cận tác phẩm, tạo ra thử thách sáng tạo nho nhỏ cho sinh viên khi họ được “đóng vai” nhà giám tuyển (curator) và được quyền tạo ra ý tưởng (concept) trưng bày tác phẩm mình đã nghiên cứu trong một không gian hoặc hình thức mới mẻ, với sự hỗ trợ của công nghệ, nền tảng truyền thông hay kỹ thuật trưng bày phù hợp. Với hoạt động này, sinh viên sẽ vận dụng những kiến thức thu thập được, biến đó trở thành tài nguyên sáng tạo của chính mình.

Kết thúc hoạt động tiếp cận lịch sử nghệ thuật thông qua tác phẩm, sinh viên có thể báo cáo kết quả thông qua nhiều hình thức: thuyết trình trên lớp, report, visual diary, hay chủ động chia sẻ bài post trên các kênh mạng xã hội. Với cách tiếp cận” truyền thống” này đối với các tác phẩm nghệ thuật, thì cách truyền cảm hứng, hay trang bị phương pháp tiếp cận đúng đắn, chuyên nghiệp có thể giúp sinh viên Đồ hoạ phá bỏ rào cản “ngại nghiên cứu” và khiến sinh viên làm chủ quy trình nghiên cứu, phân tích các case studies thiết kế trong chuyên ngành sau này.

Nguồn tham khảo:

(n.d.) Looking at Art, Museum-Ed website, accessed 18 May 2024. <https://www.museum-ed.org/looking-at-art/>

(n.d.) Practice looking at art, The Museum of Fine arts, Houston website, accessed 10 May 2024. <https://www.mfah.org/learn/practice-looking-art>

(n.d.) Teaching tips for Art history and other image-based classes, Art History Teaching Resources website, accessed 10 May 2024. <https://arthistoryteachingresources.org/2019/09/teaching-tips-for-art-history-and-other-image-based-classes/>

 

Rate this post
Comments: 96

Để lại một bình luận