Đọc tóm tắt bài viết:
Chào các đồng nghiệp và các em sinh viên,
CSR với tôi có lẽ là một ý tưởng tuyệt vời để bắt đầu chia sẻ về những điều mới mẻ mà vốn do thời gian hạn chế tôi không có nhiều cơ hội để thực hiện. Hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ được những người đồng nghiệp và đặc biệt là các em sinh viên đón nhận.
Để tránh cảm giác các bài viết giống với bài giảng truyền thống, tôi quyết định áp dụng phương pháp HỎI và ĐÁP trong cách trình bày của mình. Tôi hy vọng cách tiếp cận này sẽ có được sự tham gia tích cực từ phía độc giả, tạo nên một môi trường trao đổi thông tin đa chiều và sinh động. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào từ bạn đọc, dù là thắc mắc cụ thể hay yêu cầu giải thích sâu hơn về một vấn đề, tôi sẵn sàng tổng hợp, và nhóm những câu hỏi phù hợp để trình bày trong những bài viết tiếp theo.
Bài viết đầu tiên này được thực hiện trong một ngày vô cùng đặc biệt, khi tôi biết tới CSR, và mở đầu là 2 câu hỏi tôi nhận được nhiều từ những bạn sinh viên mới bước chân vào học chuyên ngành CNTT.
Câu hỏi 1. Đâu là những khác biệt giữa Máy tính và Con người?
Máy tính, mặc dù chỉ là một thiết bị vật lý, nhưng cách hoạt động của nó thực ra là một sự mô phỏng khéo léo về cách con người xử lý công việc. Mỗi tác vụ đều có thể được phân thành ba giai đoạn cơ bản: Input (Nhập liệu) -> Process (Xử lý) -> Output (Đầu ra).
Hình 1. Máy tính và con người tiếp nhận và xử lý dữ liệu theo một cách tương đồng
Nhập liệu (Input): Máy tính nhận dữ liệu qua các thiết bị nhập liệu như bàn phím, chuột, màn hình, cũng như các cổng kết nối như USB hoặc Ethernet. tương tự con người tương tác thông qua giác quan.
Xử lý (Process): Máy tính sử dụng các thành phần chính như bộ vi xử lý (CPU), bộ nhớ (RAM), và các thiết bị lưu trữ như ổ cứng để thực hiện các phép tính và xử lý dữ liệu. Tương tự, con người sử dụng não bộ và các quá trình tư duy để xử lý thông tin.
Trong quá trình này, máy tính lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ RAM để thực hiện các phép tính và tạm thời lưu trữ dữ liệu. Dữ liệu cũng có thể được lưu trữ lâu dài trong các thiết bị lưu trữ như ổ cứng (HDD) hoặc ổ đĩa SSD. Con người cũng có khả năng lưu trữ thông tin trong bộ não, với khu vực trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn rõ ràng.
Đầu ra (Output): Kết quả của quá trình xử lý được trả về ra môi trường thông qua các thiết bị đầu ra. Đối với máy tính, đây có thể là màn hình hiển thị, loa phát ra âm thanh, hoặc các thiết bị khác. Con người cũng tạo ra đầu ra thông qua các hành động hoặc thông qua các phương tiện giao tiếp như lời nói, viết lách.
Máy tính và con người có cách hoạt động tương tự trong quá trình xử lý thông tin, vậy đâu là những khác biệt.
Sự khác biệt rõ ràng nhất theo tôi nằm ở 2 khía cạnh:
Hệ Cơ Số Đếm
- Máy tính: Sử dụng hệ nhị phân (cơ số 2), với mọi thông tin được mã hóa thành dạng 0 và 1. Điều này phản ánh cách thức hoạt động của các mạch điện tử trong máy tính, nơi chỉ có hai trạng thái: bật (1) và tắt (0).
- Con người: Dùng hệ thập phân (cơ số 10) trong hầu hết các hoạt động tính toán hàng ngày, một phần bắt nguồn một cách tự nhiên từ việc chúng ta có 10 ngón tay, giúp chúng rất trực quan cho con người, và thực sự thuận tiện trong khi giáo dục trẻ nhỏ từ những phép tính toán học đầu tiên. Tuy nhiên, con người có khả năng học và sử dụng các hệ đếm khác như hệ nhị phân, hệ thập lục phân trong một số trường hợp đặc biệt.
Khác biệt này là một trong những nội dung đầu tiên sinh viên theo học CNTT cần nắm bắt. Một số vấn đề logic không thể được hiểu tường tận nếu các em vẫn nhìn nhận dữ liệu lưu trữ trên máy tính như trên dạng hệ cơ số thập phân.
Khía Cạnh Cảm Xúc
- Máy tính: Không có khả năng cảm nhận hoặc biểu đạt cảm xúc. Mọi quá trình xử lý đều dựa trên logic và quy định được lập trình sẵn, không chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc hay trạng thái tinh thần.
- Con người: Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong cách con người nhận thức và xử lý thông tin. Cảm xúc có thể ảnh hưởng đến quyết định, tư duy sáng tạo, và khả năng giải quyết vấn đề. Con người cũng sử dụng cảm xúc để giao tiếp và tương tác với người khác, điều mà máy tính chưa thể làm được.
Hình 2. Máy tính mạnh mẽ trong việc thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại một cách nhanh chóng và chính xác, trong khi con người có khả năng sáng tạo, cảm thụ và thích ứng với môi trường một cách linh hoạt nhờ vào cảm xúc và tư duy phi logic.
Câu hỏi 2. AI là gì và sẽ đóng vai trò gì trong mối quan hệ giữa Máy tính và Con người?
Trí tuệ nhân tạo, hay chúng ta thường gọi tắt là AI (Artificial Intelligence), đây là một lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học máy tính, với mục tiêu là xây dựng các chương trình hay các hệ thống máy tính có khả năng thực hiện các tác vụ một cách thông minh giống như cách con người chúng ta thực hiện.
Trí tuệ nhân tạo thật ra cũng không phải là một khái niệm mới, tuy nhiên những sự tiến bộ gần đây trong công nghệ tính toán đã mở rộng khả năng ứng dụng của nó vào nhiều khía cạnh trong đời sống hàng ngày. Ví dụ, camera ngày nay không chỉ dùng để chụp hình mà còn được tích hợp các tính năng thông minh như nhận dạng khuôn mặt và phân tích hành vi, hay như các hệ thống camera giao thông có khả năng tự động nhận diện biển số xe và phát hiện vi phạm.
Các thuật toán triển khai AI hiện nay (Học máy – Machine Learning, Học sâu – Deep Learning) đã phát triển đến mức độ mà nó không chỉ đơn thuần giúp máy tính thực hiện các nhiệm vụ theo mệnh lệnh mà còn có khả năng “hiểu” dữ liệu và ngữ cảnh một cách tương đối. Thay vì chỉ dựa vào các quy tắc cụ thể được lập trình trước, học máy cho phép máy tính “học” từ kinh nghiệm và điều chỉnh hành vi của mình dựa trên dữ liệu mới. Tuy nhiên, việc nói rằng AI “hiểu” dữ liệu và ngữ cảnh phải được hiểu một cách cẩn thận. Trong hầu hết các trường hợp, AI không có ý thức hay cảm nhận như con người. Thay vào đó, nó thực hiện các nhiệm vụ thông qua việc phân tích và xử lý dữ liệu theo các mô hình toán học được lập trình sẵn. Tuy nhiên, điều quan trọng là AI đã đạt được một mức độ “hiểu” đủ để thực hiện các tác vụ phức tạp mà trước đây chỉ có con người mới làm được.
AI có thể được chia thành hai loại chính: AI hẹp (AI mạnh) và AI toàn diện (AGI).
- AI Hẹp (Artificial Narrow Intelligence/Narrow AI): AI hẹp là loại AI chúng ta thấy phổ biến hiện nay, được thiết kế và huấn luyện để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ về AI hẹp bao gồm hệ thống nhận dạng giọng nói, chatbot, và các hệ thống đề xuất sản phẩm trên các trang thương mại điện tử.
- AI Toàn diện (Artificial General Intelligence/General AI – AGI): hay trí tuệ nhân tạo toàn diện, là một khái niệm mà ở đó AI có khả năng hiểu, học hỏi, và áp dụng kiến thức và kỹ năng trí tuệ trên nhiều tác vụ và đạt được những kết quả ngang bằng hoặc vượt trội con người. AGI vẫn đang là một khái niệm chưa hoàn thiện và là mục tiêu trong nghiên cứu AI hiện nay.
Như vậy điều đang diễn ra ở đây là với sự tiến bộ liên tục trong các phương pháp và thuật toán phát triển trí tuệ nhân tạo, máy tính ngày nay không còn bị giới hạn trong vai trò là công cụ hỗ trợ cho con người. Chúng đang trở nên thông minh hơn, dần dần trở thành cộng sự đắc lực, hỗ trợ mạnh mẽ cho con người trong nhiều hoạt động. Hơn nữa, viễn cảnh phát triển của AI toàn diện (AGI) đang mở ra khả năng máy móc có thể thực hiện đa số công việc mà trước kia chỉ có con người mới làm được, từ đó đặt ra triển vọng về việc máy tính có thể thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hình 3. Chương trình AI đang ngày càng một thông mình hơn hứa hẹn sẽ thực hiện được càng nhiều thêm những tác vụ thay thế con người.
Trong nhữn bài chia sẻ tiếp theo của mình, tôi sẽ đề cập đến đa dạng các chủ đề, từ ứng dụng thực tế cho đến cái nhìn sâu sắc về mặt kỹ thuật và các thuật toán đằng sau AI. Tôi hiểu rằng quý độc giả có những quan tâm khác nhau: một số bạn có thể tò mò về cách AI có thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống hàng ngày, trong khi những người khác lại muốn khám phá sâu hơn về nền tảng lý thuyết và kỹ thuật của AI. Tôi chờ đợi các câu hỏi tiếp theo từ các bạn!
Thầy giải thích dễ hiểu quá ạ!
Bài viết rất hữu ích khiến dân ngoại đạo cũng có thể hiểu được những concept cơ bản.
AI có thể có lợi ích to lớn cho con người và xã hội nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn khả năng của con người, đúng không thầy?
Thầy viết hay vậy cơ mà, thầy phải chuyển sang làm contenter thui
Bài viết hay quá! Rất ưng phần mở bài, xứng đáng 10 điểm nhé thầy Quân! 🙂
Pingback: Học AI bắt đầu từ đâu? – Greenwich Vietnam